Nhiều doanh nghiệp thép trúng lớn
VietNamNet) - Nhiều doanh nghiệp thép đang trúng lớn nhờ mua phôi thép giá thấp và bán thép giá cao. Một nguồn tin cho biết, các doanh nghiệp có lãi tới hàng chục tỷ đồng trong tháng 6 và 7 vừa qua.>> Giải trình về việc tăng giá thép>> Đằng sau việc thép tăng giá: Sự thật nào?>> 10,2 triệu đồng/tấn thép cây>> Thép tăng giá, các công trình xây dựng lao đao
Phân tích từ nguồn tin này cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2007 lượng phôi thép nhập khẩu là 1.083.000 tấn thì riêng tháng 5 lượng phôi nhập khẩu chiếm 375.000 tấn. Như vậy doanh nghiệp chủ yếu dùng phôi mua trong tháng 5 để cán thép. Nếu tính giá phôi nhập khẩu cao nhất trong tháng 5 là 485 USD/tấn (tương đương với 7,8 triệu đồng), trong khi giá thép bán là 10,2 triệu đồng/tấn, các doanh nghiệp có lãi khoảng 1 triệu đồng/tấn. Nếu mỗi tháng một doanh nghiệp chỉ cần tiêu thụ 10.000 tấn thép thì lợi nhuận thu về đã là 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá thép tăng cao đã gây ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, thời gian qua Chính phủ đã phải bỏ ra thêm 1.800 tỷ đồng để điều chỉnh vốn các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách do giá thép tăng. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng đang bị chậm tiến độ do phải ngừng lại để điều chỉnh vốn.
Nhiều DN thép đang trúng lớn. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Công ty Gang thép Thái Nguyên)
Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính lập tổ liên ngành để thanh tra các doanh nghiệp ngành thép. Theo ông Thoả việc thanh tra là cần thiết vì hiện Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạ nhiệt thị trường được đưa ra, song giá thép vẫn đứng ở mức cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công tại các công trình xây dựng.
Điều đáng nói là khi giá phôi thép nhập khẩu tăng thì các doanh nghiệp thép lập tức đẩy giá thép lên ngay, nhưng khi giá phôi thép nhập khẩu giảm thì họ lại không giảm giá thép.Tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá phôi nhập khẩu từ Trung Quốc tháng 7/2007 chỉ còn 510 - 518 USD/tấn (CFR). Như vậy so với cuối tháng 6 đã giảm khoảng 10 USD/tấn. Tuy giá phôi thép nhập khẩu đã giảm nhưng giá thép trong nước vẫn không giảm theo.
Hiện nay, giá bán thép xây dựng của các đơn vị (chưa kể chiết khấu và thuế VAT) ở mức 9.800 - 10.200 đồng/kg đối với thép cây, 9.200 - 10.100 đồng/kg đối với thép cuộn phi 6, phi 8. Mức giá này vẫn giữ bằng giá tháng 6/2007.
Vào tháng 6/2007 khi giá phôi thép nhập khẩu bắt đầu tăng cao, lên trên 500 USD/tấn thì các doanh nghiệp thép cũng đã ngay lập tức đẩy giá thép lên tới hơn 10 triệu đồng/tấn.
Lý giải về mua phôi giá thấp bán thép với giá cao, nhiều doanh nghiệp cho biết nếu nhập được phôi giá thấp thì phải bán thép giá thấp khi giá phôi nhập đã tăng cao là trái với quy luật kinh tế thị trường, các nhà sản xuất sẽ không đảm bảo tái sản xuất và kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới phá sản. Theo các doanh nghiệp khi giá phôi tăng cao thì giá thép phải được nâng ngay theo giá phôi có như vậy họ mới thu về đủ số tiền để tiếp tục nhập khẩu phôi phục vụ tái sản xuất, còn mua phôi giá thấp bán ra với giá thấp bất kể giá phôi khi đó đã tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp không đủ vốn bù đắp cho việc nhập phôi giá cao và sẽ không cung ứng đủ thép cho thị trường.
Nếu căn cứ vào lý giải trên đây thì người ta cũng có thể suy luận ngược lại, vậy khi phôi thép nhập khẩu giảm giá thì giá thép trong nước cũng ngay lập tức phải giảm theo mới hợp lý. Nhưng trên thực tế thì các doanh nghiệp thép chỉ có tăng chứ không có giảm và cụ thể là giá thép bán ra trong tháng 6 tháng 7 và đầu tháng 8 này vẫn giữ nguyên mặc dù giá phôi nhập đã giảm khoảng 10 USD/tấn.
Thực sự trong 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp thép đã trúng lớn nhờ mua phôi giá thấp và bán thép giá cao, nhưng thực tế lượng phôi họ nhập vào với giá cao trong tháng 6 và tháng 7 là không nhiều. Trong tháng 6, lượng phôi nhập khẩu chỉ có 121.000 tấn kể cả phôi ký hợp đồng trong tháng 5 và về vào tháng 6, còn trong tháng 7 các doanh nghiệp cũng nhập với các lô nhỏ, chỉ vào khoảng 100.000 tấn.
Một số doanh nghiệp đã úp mở cho rằng do đầu năm lượng thép Trung Quốc giá rẻ tràn sang Việt Nam nhiều, bán thấp hơn thép trong nước tới 300.000 đồng/tấn, các doanh nghiệp trong nước đã phải cạnh tranh rất vất vả, tuy không bị thua lỗ, nhưng lãi không nhiều, thậm chí là không có lãi, nên bây giờ tăng giá để bù vào cũng là điều hợp lý.
Theo dự báo trong tháng 8/2007 giá phôi thép nhập khẩu còn tiếp tục giảm do nguồn cung ổn định, nhưng giá thép trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ